Ở cấp huyện, cấp xã, các nội dung giám sát cũng bám sát vào các vấn liên quan, tác động trực tiếp đến người dân như: công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc đối thoại với nhân dân; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đối với Chủ tịch UBND cấp xã; việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn...
Lựa chọn “đúng và trúng” nội dung, hình thức giám sát
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, do lực lượng cán bộ MTTQ các cấp trong tỉnh còn hạn chế về số lượng nên các đoàn giám sát của MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đều có sự tham gia rộng rãi của đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận; của thành viên các hội đồng, ban tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn tại các cơ quan Nhà nước... Tuy nhiên, thành viên đoàn giám sát được lựa chọn kỹ về chất lượng, có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực, nội dung cần giám sát.
Cụ thể, ông Tuấn cho biết: “Về nội dung giám sát, MTTQ các cấp trong tỉnh chủ trì, thảo luận, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội để xây dựng kế hoạch giám sát sau đó báo cáo cấp ủy cùng cấp, đảm bảo không trùng lặp, cụ thể, thiết thực. Quan trọng hơn, phải nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội, những thông tin, phản ánh của người dân để lựa chọn những vấn đề cần giám sát.
Về hình thức giám sát, MTTQ các cấp trong tỉnh áp dụng các hình thức cụ thể như: tổ chức đoàn giám sát trực tiếp; thông qua nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền; thông qua hoạt động của Ban TTND cấp xã; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện giám sát bảo đảm khách quan, công khai, hiệu quả, đúng quy trình, các quy định, hướng dẫn về công tác giám sát của MTTQ Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Sau giám sát, các đoàn đều có báo cáo kết quả giám sát và những kiến nghị đối với cấp ủy và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, khách quan, công khai, hiệu quả thiết thực, mang tính xây dựng.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, bên cạnh những ưu điểm, công tác giám sát trong tỉnh còn một số mặt hạn chế như: một số địa phương, đơn vị cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo giải quyết các kiến nghị sau giám sát; nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc công tác giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế...
Nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát
Theo đại diện UB MTTQ tỉnh Hải Dương, năm 2023, để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, MTTQ các cấp tỉnh sẽ chủ trì phối hợp thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, nội dung giám sát gắn với chỉ tiêu số cuộc giám sát trong năm 2023, sau đó báo cáo cấp ủy, thông báo đến chính quyền cùng cấp để phối hợp thực hiện;
Tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức giám sát chuyên đề về công tác cán bộ, đảng viên; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; đồng thời chỉ đạo triển khai, thực hiện tốt chương trình giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia giám sát cùng với cơ quan Nhà nước tại địa phương. Hướng dẫn UB MTTQ các cấp giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, trọng tâm là giám sát việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.