Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn FDI Nhật Bản
Tỉnh Hải Dương được Chính phủ phê duyệt Danh mục Quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 gồm 18 KCN, với tổng diện tích 3.517,19 ha. Đến nay, có 11 KCN đã đi vào hoạt động và thực hiện xây dựng hạ tầng với tổng diện tích theo quy hoạch chi tiết là 1.732,13 ha; diện tích thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng KCN là 1.470,21 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đạt gần 83% trên diện tích đất công nghiệp được bàn giao, theo quy hoạch xây dựng.
Ngoài ra, tỉnh cũng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án hạ tầng KCN, với diện tích quy hoạch gần 760 ha; tiếp tục triển khai 2 dự án KCN đã thành lập với diện tích quy hoạch gần 340 ha; nâng tổng diện tích quy hoạch chi tiết KCN trên địa bàn tỉnh là 2.567 ha. Các KCN mới thành lập và mở rộng đều có kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ bản việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật (theo phân kỳ giai đoạn) trong năm 2022, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh đang quy hoạch phát triển vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện, với tổng diện tích khoảng 9.230 ha, trong đó đất KCN/KKT khoảng trên 5.000 ha, nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch... có vai trò dẫn dắt định hướng gồm các phân khu chính như: KCN chuyên biệt công nghệ cao, KCN đô thị - dịch vụ với lõi là Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, KCN sinh thái, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng Đồng bằng sông Hồng, góp phần phát triển kinh tế cả nước. Cùng với đó, tỉnh Hải Dương định hướng quy hoạch hệ thống giao thông, đô thị, logistics đồng bộ, hiện đại, hiệu quả là điều kiện hạ tầng phục vụ, hỗ trợ cho phát triển công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại vùng công nghiệp động lực nói riêng.
Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghiệp Hải Dương khẳng định, Hải Dương luôn đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của các nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang đầu tư trên địa bàn. Đồng thời, mong muốn thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh như Đại An mở rộng (giai đoạn II), Tân Trường mở rộng, Phúc Điền mở rộng, Kim Thành, Gia Lộc.
Hiện nay, bên cạnh các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của nhà đầu tư Nhật Bản như điện, điện tử... thì còn rất nhiều lĩnh vực mà Hải Dương đang mong muốn được hợp tác, kêu gọi đầu tư với Nhật Bản như: phát triển hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, logistics, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đào tạo nhân lực. Cùng với đó quan tâm hơn đến nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thương mại dịch vụ...
Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, Hải Dương đã tạo bước ngoặt lớn trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận bằng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thăng hạng ấn tượng. Từ vị trí 47 thuộc nhóm trung bình năm 2020, tỉnh đã vươn lên xếp hạng thứ 13 cả nước, đứng đầu tốp 20 tỉnh, thành phố xếp loại khá trong năm 2021. Không chỉ vậy, Hải Dương còn được đánh giá là một trong 10 địa phương có kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển doanh nghiệp tốt
Để tiếp tục tạo lòng tin, tăng uy tín với cộng đồng doanh nghiệp, ngay trong năm 2022, Hải Dương đang đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Phấn đấu giảm ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư so với hiện nay. Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục gây phiền hà và gia tăng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Hoàn thiện và tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm và xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư theo nguyên tắc “5 rõ”. Nhằm bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực, tỉnh khẩn trương hoàn hiện quy hoạch chung và kế hoạch sử dụng đất. Xây dựng phần mềm quản lý và công khai quy hoạch trên môi trường mạng để doanh nghiệp chủ động tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Hải Dương tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nhanh chóng phục hồi thị trường lao động, cải thiện có hiệu quả dịch vụ cung cấp điện, kho bãi, thông tin liên lạc, tín dụng. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được chú trọng với cách làm bài bản, chuyên nghiệp để tạo ấn tượng với nhà đầu tư.
Hội nghị Gặp gỡ các doanh nhân Nhật Bản 2022 với chủ đề Tiềm năng - cơ hội đầu tư FDI diễn ra vào ngày 30/5/2022 sẽ là dịp để cho các doanh nghiệp của Hải Dương và Nhật Bản giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Đồng thời, doanh nhân, doanh nghiệp Nhật Bản có dịp trải nghiệm Ngày hội Vải thiều của Hải Dương, gốm sứ Chu Đậu... cùng những sản phẩm của tỉnh được xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.