Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1368/QĐ-TTg để phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chip.
Tổng quan về căn cước công dân gắn chip
Theo đó, thẻ căn cước gắn chip là một loại thẻ thông minh cho phép tích hợp lượng lớn nhiều dữ liệu khác nhau về bảo hiểm, bằng lái… Thông qua chiếc thẻ căn cước gắn chip này các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể nhận diện, xác thực danh tính của chủ sở hữu đồng thời đây còn là chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.Thẻ căn cước có gắn chíp có kích thước gần giống như một thẻ ATM, trên thẻ có một điểm là điểm kết nối kim loại để đọc dữ liệu.
Câu 1.Đối tượng bắt buộc làm căn cước công dân trước ngày 1/7/2021 gồm những ai?
Trả Lời:
Theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP thì những đối tượng dưới đây bắt buộc phải làm thẻ căn cước công dân trước ngày 1/7/2021:
- Công dân dùng thẻ Căn cước công dân mã vạch mà đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi hoặc CMND hết hạn sử dụng;
- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
- Xác định lại giới tính, quê quán;
- Có sai sót về thông tin trên thẻ;
- Bị mất thẻ Căn cước công dân; CMND;
- Người đang dùng CMND mà thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Câu 2:Có được trang điểm khi đi xin cấp mới hoặc chuyển đổi sang CCCD mới?
Trả lời:Hiện nay chưa có quy định cụ thể hay bắt buộc về việc nên mặc gì khi đi làm chụp hình làm thẻ căn cước công dân. Chỉ cần bạn mặc lịch sự, nghiêm túc, có thể trang điểm nhạt hoặc không trang điểm… nói chung là sau này có thể dễ dàng đối chiếu, nhận diện khi sử dụng các thủ tục liên quan đến thẻ chíp.
Việc chụp ảnh chân dân dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA như sau: "Ảnh chân dung của công dân là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt."
Câu 3:Có được chụp lại ảnh căn cước công dân gắn chíp khi ảnh không đẹp?
Trả Lời:
Theo Điều 5 Thông tư 11/2016/TT-BCA, thì sau khi thu nhận vân tay và chụp ảnh chân dung của công dân về việc làm thẻ căn cước công dân gắn chíp thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ này phải in Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân gắn chíp, sau đó đưa cho người làm thẻ kiểm tra lại thông tin và ghi rõ họ tên.
Nếu như khi kiểm tra mà thấy hình của mình chưa ưng ý thì có thể thỏa thuận với cán bộ để chụp lại tuy nhiên đồng ý làm lại hay không là phụ thuộc vào cán bộ.
Câu 4: Khi làm thẻ căn cước công dân cần mang theo gì?
Trả lời:
Trường hợp bạn chuyển đổi từ chứng minh thư sang làm thẻ căn cước công dân thì bạn cần mang theo giấy tờ sau:
- CMND đã được cấp, sổ hộ khẩu.
- Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác trong trường hợp thông tin công dân khai trên tờ khai đề nghị cấp căn cước công dân gắn chíp có thay đổi so với thông tin trong sổ hộ khẩu hoặc trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp đổi từ căn cước công dân mã vạch qua căn cước công dân gắn chíp thì bạn cần mang theo các giấy tờ sau:
- Căn cước công dân mã vạch đã được cấp.
- Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác trong trường hợp thông tin công dân khai trên tờ khai đề nghị cấp căn cước công dân gắn chíp có thay đổi so với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Câu 5: Lợi ích khi sử dụng thẻ căn cước công dân?
Trả Lời:
Thẻ căn cước công dân gắn chíp có 12 số với độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều thông tin của công dân hơn như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Vì vậy khi công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân gắn chíp mà không cần phải mang nhiều giấy tờ khi làm thủ tục hành chính như trước đây nữa.
Ngoài ra theo Bộ công an thì việc sử dụng thẻ gắn chíp còn hạn chế tối đa tình trạng giả mạo danh tính.
Câu 6: Tính bảo mật thông tin của thẻ gắn chíp như thế nào? đặc biệt là trường hợp bị mất thẻ?
Trả Lời:
Thẻ căn cước công dân gắn chíp có tính bảo mật cao, có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả đồng thời đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch đặc biệt là các giao dịch về tài chính.
Ngoài ra, chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người, qua đó giảm thiểu tình trạng giả mạo thẻ.
Câu 7: Khi cấp thẻ CCCD mới có gắn chíp thì giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân cũ có mã vạch còn giá trị sử dụng nữa không?
Trả lời:
Thẻ căn cước công dân có gắn chíp được đưa vào sử dụng thì sẽ song song tồn tại với các loại giấy tờ tùy thân sau: Chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch. Theo quy định của Luật căn cước công dân năm 2014 và pháp luật hiện hành, công dân vẫn sử dụng được 3 loại thẻ nêu trên đến khi hết giá trị sử dụng ghi trên thẻ.
Tuy nhiên để tạo thuận lợi trong việc cải cách hành chính, chính phủ số đặc biệt là công dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các giao dịch thì Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Câu 8:Đổi thẻ Căn cước công dân thì vẫn giữ được số CMND cũ phải không? Nếu thay đổi rồi thì những giấy tờ ngân hàng, đất đai… có ghi thông tin CMND cũ sẽ như thế nào?
Trả lời:
Chứng minh nhân dân chỉ có 9 số, còn thẻ căn cước công dân 12 số vì vậy thẻ căn cước sẽ không có số giống như chứng minh thư của bạn. Ngoài ra, khi nhận thẻ căn cước công dân thì cơ quan Công an sẽ cấp thêm cho bạn tờ giấy xác nhận thay đổi số chứng minh nhân dân 9 số qua căn cước công dân 12 số.
Trong thời gian tới thì, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ có máy quét thẻ chip để cập nhật được sự thay đổi số từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước.
Câu 9: Nếu bạn không đăng ký thường trú thì đến đâu để đăng ký thẻ căn cước?
Trả lời:
Bạn hoàn toàn có thể đến cơ quan công an gần nhất như: Quận, Huyện, Thành phố nơi bạn đang cư trú để thay đổi thẻ căn cước công dân. Còn trường hợp bạn chưa được cấp chứng minh thư nhân dân thì bạn phải về nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thẻ căn cước công dân.
Trên đây là tất tần tật những câu hỏi kèm theo câu trả lời cụ thể nhất về việc làm thẻ căn cước công dân gắn chíp. Việc làm thẻ căn cước công dân gắn chíp mang đến sự tiện lợi cùng nhiều tiện ích cho người sử dụng vì vậy nếu như bạn chưa làm thì hãy tranh thủ đến trụ sở công an gần nhất để thực hiện làm thẻ nhé!